Động lực mới từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) càng cao, sức cạnh tranh và vị thế nền kinh tế quốc gia càng cao. Việt Nam xác định ĐMST và chuyển đổi số (CĐS) sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và cạnh tranh, cho phép Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, nâng cao vị thế nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) Việt Nam trên toàn cầu.

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ VAI TRÒ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Về nghĩa hẹp, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2005: ĐMST là việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ) hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài”.

Về nghĩa rộng, ĐMST khoa học - công nghệ (KH-CN) là một nấc thang cao trong phát triển KH-CN nhằm đưa ra các sáng tạo mới, sản phẩm mới, các phương pháp sản xuất mới, mở ra thị trường mới, phát triển các nguồn cung cấp nguyên vật liệu mới và tạo ra cấu trúc thị trường mới, cùng với các chính sách và chiến lược công nghệ nhằm định hướng và phát huy vai trò của các yếu tố trên để đạt được mục đích nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, hoàn thiện kỹ năng của người lao động và tối đa hóa hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. 

Hiệu quả ĐMST được dựa trên các chỉ số đổi mới sáng tạo (Global Innovation Index - GII). Các chỉ số này tập trung vào ba nhóm chỉ số, bao gồm: GII tổng thể, GII đầu vào và GII đầu ra của đổi mới, mà cụ thể là các yếu tố đầu vào về thể chế, nguồn nhân lực và hoạt động nghiên cứu, kết cấu hạ tầng, sự chuyên nghiệp của thị trường, mức độ hoàn thiện của DN và yếu tố đầu ra là kết quả của thành tựu đổi mới gồm kết quả nghiên cứu khoa học và thành quả sáng tạo tri thức cũng như công nghệ.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ĐMST, CĐS và phát triển kinh tế số vừa là áp lực thời đại, chỉ số công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, vừa là cơ hội và động lực phát triển của mỗi quốc gia và DN, trong đó có Việt Nam.

ĐMST càng cao thì sức cạnh tranh và vị thế nền kinh tế quốc gia càng cao. ĐMST cùng với KH-CN là nền tảng để thực hiện CĐS quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của nhân dân, là chìa khóa giúp Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và nguồn tài nguyên.

CĐS trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác, đã, đang và sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho DN tìm những hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn…

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, ĐMST là nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của nước ta trong giai đoạn sắp tới. “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 11/5/2022 đã cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về ĐMST, các nội dung được đề cập đến bám sát tiến trình ĐMST trong từng giai đoạn với những đặc trưng riêng.

Nhìn chung, Việt Nam xác định phát triển ĐMST cùng với KH-CN là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và DN; là nền tảng để thực hiện CĐS quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

TRIỂN VỌNG CỦA BỨC TRANH KINH TẾ VIỆT NAM

ĐMST và CĐS là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy tái cơ cấu và tạo nền tảng nâng cao chất lượng, hiệu qủa hoạt động và sức cạnh tranh, cho phép Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, tăng cường gắn kết và nâng cao vị thế trên thị trường của nền kinh tế và của DN Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam có hai năm liên tiếp đứng vị trí thứ 42 (năm 2019, 2020) và thứ 44 trong năm 2021 về ĐMST. Đặc biệt, trong ba năm liên tiếp (2019 - 2021), Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về chỉ số ĐMST, là quốc gia đứng đầu nhóm 30 quốc gia có thu nhập trung bình thấp về ĐMST và giữ vị trí thứ 42/131 nền kinh tế được nghiên cứu, đánh giá về ĐMST năm. Nhóm chỉ số về liên kết ĐMST, chỉ số hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các trường đại học và DN đã tăng vượt bậc, từ vị trí thứ 65 năm 2020 lên vị trí thứ 34 năm 2021. Điều này phản ánh sự đúng đắn trong chủ trương gắn lý thuyết với thực tiễn phát triển, đầu tư nguồn lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, lao động chất lượng cao và tích cực khai thác tiềm năng phát triển khoa học - kỹ thuật hiện đại của Việt Nam. 

Tuy nhiên, xếp hạng Chỉ số ĐMST của Việt Nam năm 2021 cho thấy Việt Nam đạt chỉ số cao ở mảng thị trường, đa dạng hóa nguồn nhân lực (22) - những yếu tố linh hoạt và biến động, nhưng lại thấp ở nhóm chỉ số thể chế (83), các phát minh, sáng chế, trong khi đây lại là nhóm định hướng và quyết định hiệu quả của ĐMST. Ngay cả ở phía các DN, mức độ ĐMST cũng tương đối yếu, do số lượng DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn là 97%, vốn ít, nhân lực không đủ, ngành, nghề quy mô nhỏ, không có tiềm lực để đổi mới công nghệ. Thực tế này phản ánh tăng trưởng kinh tế, đổi mới ở Việt Nam chưa thực sự bền vững. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các kết quả phát triển của Việt Nam bắt nguồn từ những điều kiện thuận lợi về nhân khẩu học và tái cơ cấu ngành, nhưng động lực này đang giảm dần với sự suy giảm tỷ lệ sinh, già hóa dân số, sự chuyển đổi từ nông nghiệp năng suất thấp sang các ngành sản xuất và dịch vụ cũng giảm…

Theo khảo sát của Thời báo Kinh tế (Financial Times) và Omdia công bố ngày 22/11/2022, mặc dù quy mô thị trường số xếp thứ 25/39 quốc gia, song Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh thứ hai trong 39 quốc gia được khảo sát trên thế giới (12,3%) năm 2022, và dự báo nhanh thứ ba thế giới (10,3%) vào năm 2023 và dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn 2022 - 2026…

Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á e-Conomy SEA lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội” do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện và công bố vào 27/10/2022, kinh tế Internet của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và đang trên đà đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục từ 120-200 tỷ USD vào năm 2030, mức tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực.

Trong số 23 tỷ USD kinh tế số Việt Nam trong năm 2022, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) có đóng góp lớn nhất với 14 tỷ USD. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như du lịch trực tuyến, vận tải và thực phẩm, dịch vụ nghe nhìn mặc dù còn chiếm tỷ trọng đóng góp còn khiêm tốn trong nền kinh tế số nhưng cũng có tốc độ tăng trưởng khá mạnh trong năm 2022. Đặc biệt lĩnh vực du lịch trực tuyến, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 với mức tăng trưởng âm (-56%) trong giai đoạn 2019-2021 thì sang năm 2022 đã bứt phá trở lại với mức tăng trưởng lên đến 153% (đạt 2 tỷ USD).

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ TT&TT, đến nay, chương trình CĐS quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số. Tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Trong chính phủ số, đến nay, tỷ lệ DVCTT đủ điều kiện lên mức 4 đã đạt hơn 97%. Tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt khoảng 68%. Tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt hơn 43%. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở mới chỉ đạt 3%, trong khi mục tiêu đặt ra tới năm 2025 là 100%.

Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022 dự báo quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước... Với mức tăng trưởng 20%, có thể thấy, trong suốt 7 năm qua, TMĐT Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%.

Mức tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.

Đặc biệt, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp; vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; cung cấp 100% DVCTT mức độ 4; Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); mở dữ liệu cho các tổ chức, DN, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, DN; Kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), về chỉ số cạnh tranh (GCI) và về ĐMST (GII), cũng như về an toàn, an ninh mạng (GCI).

LẤY NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM

Để thúc đẩy ĐMST và CĐS cần sự thống nhất, nhất quán từ tư tưởng chỉ đạo đến sự vận hành của hệ thống chính sách, hệ thống quản trị công, thể chế hợp lý, kết cấu hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng KH-CN và nguồn nhân lực có khả năng phát huy sáng tạo trong KH-CN, đi kèm với các lộ trình cụ thể mang tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia; sự phát triển đồng bộ hệ thống các yếu tố tổ chức, thể chế, cấu trúc kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương tác lẫn nhau, tích hợp và đẩy mạnh mối quan hệ giữa KH-CN từ các cơ sở đào tạo, trường đại học, các viện nghiên cứu, các DN…

Với việc xác định rõ các định hướng chung về ĐMST, các định hướng, biện pháp cụ thể thúc đẩy, phát triển ĐMST cho từng ngành, lĩnh vực, cũng như xây dựng hệ thống ĐMST theo các cấp độ khác nhau đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong tư duy đổi mới của Đảng ta trước những thay đổi của thời đại. Từ đó, tạo cơ sở lý luận cho những chuyển đổi của nền kinh tế trên thực tiễn, mang đến động lực phát triển, hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển tối đa năng lực của mỗi người và xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Việt Nam đã có nhiều biện pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới, như: xây dựng 40 nền tảng công nghệ số quốc gia trên các lĩnh vực từ nền tảng chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu trong các ngành, họp trực tuyến, thanh toán, định danh đến thiết bị Internet vạn vật (IoT), AI, trợ lý ảo, chuỗi cung ứng. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số trong các DN, các cơ quan nhà nước, trường học và các hộ gia đình, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bảo đảm phần nào duy trì, phục hồi nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ĐMST, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống ĐMST, mạng lưới ĐMST quốc gia tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 1.000 thành viên và con số này đang tiếp tục được mở rộng. Đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với các khu công nghệ cao được xây dựng, các chương trình hỗ trợ DN CĐS sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo giữa các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành DN trên nền tảng số, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của DN trong tương lai.

Để thúc đẩy CĐS cần phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số, và quản lý pháp luật số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng.

CĐS tác động tới mọi người dân, nên Việt Nam chủ trương phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, mọi chính sách CĐS đều hướng về người dân và DN, mang tính toàn dân và toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực. Đặc biệt, Chính phủ cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ CĐS cho các DN nhỏ và vừa (SME) phù hợp với Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục duy trì 6 nhóm Zalo để hằng ngày đôn đốc, giải đáp khó khăn, vướng mắc và chia sẻ các địa phương làm tốt về công tác triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng đầu mối các địa phương của Sở TT&TT. Tài liệu tập huấn tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện 5 nhiệm vụ: "Đi từng ngõ gõ từng nhà" hướng dẫn từng người sử dụng DVCTT; tạo lập tài khoản thanh toán, mua sắm trực tuyến; sử dụng kỹ năng bảo đảm an toàn ở mức cơ bản để người dân khi lên mạng không bị lừa đảo; sử dụng nền tảng do các địa phương lựa chọn như đặt vé xe, đọc sách trực tuyến… Những người tham gia tổ công nghệ số cộng đồng sẽ phổ biến kỹ năng số đến người dân, qua đó góp phần tích cực cho mục tiêu kinh tế số và xã hội số.

Ngoài ra, từ năm 2023, Tổng cục Thống kê cần tiến hành thường xuyên đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong các bảng cân đối liên ngành IO (dữ liệu đầu vào khai thác từ các bảng cân đối liên ngành) của các địa phương …/.

TS. Nguyễn Minh Phong

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)