stttt.binhthuan.gov.vnTỉnh Bình Thuận luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để góp phần nâng cao công tác CCHC, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo thường xuyên phát huy có hiệu quả những mặt tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế, qua đó, phục vụ và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, công tác phát triển chính quyền số, hạ tầng số và cải CCHC của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả.

Hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động 2G, 3G, 4G và cố định đã phủ đến 100% xã/phường/thị trấn với tốc độ truy nhập trung bình 80Mb/s cao hơn so với tốc độ trung bình của cả nước (tốc độ trung bình cả nước là 78,43Mb/s); tổng số vị trí trạm BTS là 1.660 vị trí (Viettel Bình Thuận triển khai lắp đặt 7 vị trí trạm 5G phát sóng thử nghiệm từ cuối tháng 6/2022 đến nay), với vùng phủ sóng di động 2G, 3G, 4G đạt khoảng 98% dân số trên toàn tỉnh; Hệ thống Wifi miễn phí đã triển khai tại Công viên Võ Văn Kiệt, khu Công viên Đồi dương, Trường Đại học Phan Thiết và các Bệnh viện trong tỉnh; hoàn thành triển khai mở rộng phạm vi kết nối mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã và hỗ trợ đồng thời IPv4/IPv6 (Bình Thuận một trong những tỉnh thành đầu tiên hoàn thành triển khai giai đoạn 1 (2021-2022) của Chương trình IPv6 For Gov).

Một số Hệ thống thông tin/nền tảng số dùng chung chủ yếu đang triển khai sử dụng: Hệ thống thông tin Quản lý văn bản và điều hành được triển khai 645 đơn vị sử dụng với 8300 tài khoản sử dụng (bình quân 125.000 văn bản đến/1 tháng, 52.000 văn bản đi được cập nhật vào hệ thống); Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai cho các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (trừ Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh), Ban Quản lý Khu công nghiệp, Công an tỉnh, Cục thuế và các Chi Cục thuế, 10/10 UBND cấp huyện, 124/124 UBND cấp xã, hệ thống đã được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, CSDL quốc gia về dân cư, kết nối các hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương (bình quân 51.000 hồ sơ/1 tháng được cập nhật vào hệ thống); Hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục (VN-edu) đã triển khai sử dụng cho 746 trường, đạt 100% các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT; Hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh ngành y tế (VNPT-HIS) đã triển khai sử dụng cho 141/144 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trong tỉnh; Hệ thống thông tin báo cáo của UBND tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh vào công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh; Cổng Thông tin du lịch thông minh Bình Thuận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế. Ngày 4/8/2023 UBND tỉnh ban hành Thông báo số 246/TB-KL Thông báo Kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đoàn Anh Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trong 06 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2023. Trong đó đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phát động chiến dịch 90 ngày thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao chỉ số DTI của tỉnh trong năm 2023.

Công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, nhiều giải pháp, sáng kiến đã phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao chỉ số DTI của tỉnh trong năm 2023 và chất lượng CCHC ngày một hiện đại và phát triển.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        Hoàng Sâm