Phát triển Mạng TSLCD kết nối liên thông giữa các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể của tỉnh với các cơ quan Trung ương và với cấp huyện, xã là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông triển khai, thực hiện theo Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 04/5/2022 về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

    Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 06/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 06).

    Để triển khai Đề án 06 và với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng hướng dẫn kỹ thuật các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu cần thiết, yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng, hướng dẫn về áp dụng tiêu chuẩn, định mức triển khai Đề án 06 (phiên bản 1.0) tại Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26 tháng 4 năm 2022 (gọi tắt là hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06); theo đó, các bộ, ngành và địa phương có thể xác định các nội dung cần thiết để thực hiện đầu tư, mua sắm phục vụ triển khai Đề án 06 được hiệu quả, đồng bộ trong cả nước. Theo hướng dẫn kỹ thuật Đề án 06, Mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) là một trong các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu, cần thiết phục vụ triển khai Đề án 06 phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Ảnh: Mô hình tổng thể các thành phần công nghệ thông tin của Đề án 06 (Nguồn trích: theo Công văn số 1552/BTTTT-THH)

    Ngày 05/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 8/2023/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước (gọi tắt là Quyết định số 8). Theo Quyết định số 8,  quy định mạng TSLCD là mạng kết nối các cơ quan Đảng, Nhà nước, được tổ chức, quản lý thống nhất, bảo đảm chất lượng, an toàn, bảo mật thông tin để trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước; mạng TSLCD gồm có 02 cấp: Cấp I có phạm vị kết nối từ Trung ương đến cấp tỉnh (do Cục Bưu điện Trung ương – Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lý) và Cấp II có phạm vi kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã (do đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của bộ, ngành và địa phương trực tiếp quản lý).

    Tại tỉnh Bình Thuận, phát triển Mạng TSLCD kết nối liên thông giữa các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể của tỉnh với các cơ quan Trung ương và với cấp huyện, xã là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông triển khai, thực hiện theo Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 04/5/2022 về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với chức năng và nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, tính đến thời điểm 6/2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai, phát triển Mạng TSLCD cấp II của tỉnh đến 159 cơ quan, đơn vị và địa phương, cụ thể:

-      Từ năm 2009 đến năm 2021, mạng TSLCD đã triển khai kết nối đến 35 cơ quan, đơn vị gồm: 24 sở, ban, ngành cấp tỉnh, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và 10 UBND huyện, thị xã, thành phố.

-      Năm 2022, đã hoàn thành triển khai mở rộng phạm vi kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II tại tỉnh đến 124 đơn vị cấp xã.

      Hiện nay, các ứng dụng được triển khai trên Mạng TSLCD gồm: truy cập ưu tiên các ứng dụng dùng của tỉnh tại Trung tâm THDL tỉnh; phục vụ hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của UBND tỉnh (4 cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã); chia sẽ kết nối, liên thông từ Trung tâm THDL tỉnh với Văn phòng Chính phủ và NGSP của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Công an…Nhìn chung, hệ thống mạng TSLCD cấp II của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, an toàn, bảo mật thông tin đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương (04 cấp: Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã); phục vụ quá trình chuyển đổi số của tỉnh và triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Theo kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông về chỉ số Hạ tầng số trong bộ tiêu chí Chuyển đổi số (DTI) năm 2022, tỉnh Bình Thuận đạt 100% về tỷ lệ UBND cấp xã kết nối Mạng TSLCD. Trên các cơ sở đánh giá và phân tích, có thể nói Sở Thông tin và Truyền thông đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của UBND tỉnh giao về đầu tư, phát triển hạ tầng số - Mạng TSLCD đáp ứng theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

     Trong thời gian tới, để khai thác hiệu quả hạ tầng Mạng TSLCD của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh, tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông; từ đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, tham mưu UBND tỉnh thực hiện duy trì mạng TSLCD cấp II của tỉnh và đầu tư, trang bị thiết bị, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số của tỉnh theo đúng Kế hoạch đã được đề ra.

Lê Đăng Khoa